Đức Dalai Lama Nói Về Tứ Diệu Đế

Dẫn Nhập

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vĩ đại của thế giới thuyết Pháp lần đầu tiên ở lãnh thổ cao quý Ấn Độ, ngài đã thuyết Tứ diệu đế: khổ đế, tập đế hay nhân tạo khổ, diệt đế, và đạo đế. Vì nhiều sách vở có bàn luận về Tứ diệu đế bằng tiếng Anh, nên chúng được biết rất rộng rãi. Cả tứ đế đều bao trùm tất cả, bao gồm nhiều khía cạnh trong đó.

Khi xem xét Tứ diệu đế nói chung, và sự thật là không ai trong chúng ta muốn nếm khổ, và đều mong muốn hạnh phúc, nên có thể nói về một quả và nhân của nó, đối với hai khía cạnh phiền não và giải thoát của Tứ diệu đế. Khổ đế và tập đế là quả và nhân của nó, đối với khía cạnh phiền não của những điều mà mình không muốn; chân đế và đạo đế là quả và nhân của nó, đối với khía cạnh giải thoát của những điều mà mình mong muốn. 

Khổ Đế

Chúng ta trải qua nhiều nỗi khổ khác nhau. Tất cả được bao gồm trong ba loại: khổ vì khổ (khổ khổ), khổ vì thay đổi (hoại khổ) và nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ). Khổ khổ đề cập đến cảm giác bất hạnh, nên nói về những vấn đề như nhức đầu và vân vân. Ngay cả thú vật cũng nhận ra loại khổ này, và giống như chúng ta, chúng cũng muốn thoát khỏi điều này. Bởi vì chúng sinh sợ hãi và cảm thấy khó chịu, đau khổ vì loại khổ này, nên sẽ làm những điều để loại bỏ nó.

Hoại khổ đề cập đến hạnh phúc ô nhiễm - hạnh phúc bắt nguồn từ phiền não - nên trong những tình huống, ví dụ như khi mình đang ngồi rất thoải mái, và lúc đầu, mọi việc dường như đều ổn thỏa. Nhưng sau một thời gian thì mình không còn cảm giác hạnh phúc đó. Nó đã thay đổi, và ta cảm thấy bồn chồn, khó chịu.

Ở một số quốc gia, chúng ta thấy rất nhiều sự nghèo đói và bệnh tật. Đó là nỗi khổ của loại đầu tiên. Mọi người đều nhận ra đây là tình huống đau khổ, phải được loại bỏ và cải thiện. Ở nhiều nước phương Tây thì nghèo đói có thể không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, ở những nơi có mức độ phát triển vật chất cao thì lại có nhiều vấn đề khác. Lúc đầu, chúng ta có thể vui vẻ, khi đã khắc phục những vấn đề mà tổ tiên của mình đã phải đối diện. Nhưng ngay khi vừa giải quyết một số vấn đề nào đó, thì những vấn đề mới lại xuất hiện. Chúng ta có nhiều tiền, thức ăn và nhà cửa đẹp đẽ; nhưng khi mình phóng đại giá trị của những thứ này, thì cuối cùng, ta lại khiến cho chúng mất đi giá trị. Loại kinh nghiệm này là hoại khổ.

Một người rất nghèo, kém may mắn có thể nghĩ rằng nếu họ có một chiếc xe hơi, hay một cái máy truyền hình, thì sẽ tuyệt vời biết bao, và nếu như có được chúng thì lúc đầu, anh ta sẽ rất vui vẻ và hài lòng. Bây giờ, nếu như niềm hạnh phúc như vậy là thường hằng, miễn là có xe hơi và máy truyền hình, thì anh sẽ hạnh phúc hoài. Nhưng anh ta lại không thấy như vậy, vì hạnh phúc của anh lại biến mất. Sau vài tháng, anh lại muốn một loại xe khác, và nếu có tiền thì sẽ mua một cái máy truyền hình tốt hơn. Những thứ cũ, cùng một món đồ đã từng mang lại cho anh nhiều sự hài lòng, thì giờ đây lại tạo ra cảm giác bất toại nguyện. Đó là bản chất của sự thay đổi, đó là vấn đề của nỗi khổ vì thay đổi.

Nỗi khổ thâm nhập khắp nơi là loại khổ thứ ba. Trong ba cảm thọ ô nhiễm thì nó đề cập đến một vô ký thọ (cảm giác trung hòa) ô nhiễm. Ở mức độ tổng quát hơn thì nó đề cập đến các uẩn ô nhiễm - sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bắt nguồn từ phiền não. Nó được gọi là “thâm nhập khắp nơi”, vì nó là cơ sở cho hai loại khổ đầu.

Ngay cả ở các nước phát triển, có thể có những người muốn thoát khỏi nỗi khổ thứ hai, hoại khổ. Vì chán chường lạc thọ ô nhiễm, nên họ tìm kiếm vô ký thọ. Tuy nhiên, vì quyến luyến với cảm thọ như vậy, nên nó sẽ đưa đến tái sinh ở vô sắc giới. Chúng sinh ở cõi này chỉ có vô ký thọ ô nhiễm, đó là kết quả của lòng tham ái.

Bây giờ, việc mong muốn được thoát khỏi hai loại khổ đầu không phải là động lực chánh để tìm cầu giải thoát khỏi luân hồi, tức là tái sinh bất tự chủ. Đức Phật đã dạy rằng trong ba loại khổ thì loại khổ thứ ba là cội nguồn của mọi nỗi khổ. Do đó, việc thoát khỏi luân hồi đòi hỏi mình phải đoạn trừ nỗi khổ chân thật, cụ thể là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi. Đây là đối tượng của tâm xả ly.

Một số người tự tử, vì nghĩ rằng nỗi khổ của họ chỉ đơn giản là vì cuộc sống hiện tại của con người, và nếu như kết liễu cuộc đời này, thì sẽ không còn gì xảy ra sau đó. Nhưng không phải vậy, mà còn có những tái sinh trong tương lai. Nỗi khổ thứ ba này, tức là nỗi khổ thâm nhập vì các uẩn ô nhiễm trong những tái sinh trong tương lai, xuất phát từ nghiệp và phiền não. Chúng ta có thể thấy, mà không cần phải suy nghĩ một cách sâu sắc, rằng các uẩn ô nhiễm hiện tiền đã bắt nguồn từ nghiệp và phiền não của những kiếp trước. Và, hiện nay, tâm sân hận và tham ái sẽ tiếp tục tạo ra các uẩn ô nhiễm của một kiếp tương lai, điều sẽ sinh khởi, đơn thuần là vì chúng ta có các uẩn hiện tiền.

Các uẩn ô nhiễm giống như người hỗ trợ, chúng giúp cho mình có được cái gọi là “trạng thái kinh khiếp”, nhưng trạng thái kinh khiếp của nghiệp và phiền não kéo dài hơn. Nói cách khác là vì các uẩn ô nhiễm phát sinh vì phiền não, nên hiện nay, chúng vẫn còn liên hệ hay trộn lẫn với trạng thái kinh khiếp của phiền não. Trên thực tế thì vì phiền não khống chế mà các uẩn ô nhiễm này sẽ hỗ trợ cho những phiền não khác phát sinh ra nữa, khiến cho ta không thể tạo ra những tâm trạng tích cực. Sau đó, tất cả những nỗi khổ của mình, cả khổ khổ và hoại khổ, có thể được truy nguyên từ các uẩn ô nhiễm này, với tâm tham ái và chấp thủ.

Có lẽ khi nhận ra rằng các uẩn ô nhiễm là nguyên nhân của mọi nỗi khổ của mình, thì ta có thể nghĩ rằng tự tử là lối thoát. Nếu như không có dòng tương tục của tâm thức, không có những kiếp tương lai, thì tốt thôi. Nếu như có can đảm, thì ta có thể chấm dứt đời sống của mình, nhưng theo quan điểm nhà Phật thì sự việc không phải như vậy, vì ý thức của chúng ta sẽ tiếp tục. Ngay cả khi chấm dứt mạng sống của mình, thì ta phải có một thân ô nhiễm khác, lại là cơ sở để trải qua những nỗi khổ vì đau khổ, và khổ vì thay đổi. Nếu như thật sự muốn thoát khổ, thoát khỏi tất cả những khó khăn mà mình trải qua trong đời sống, thì phải đoạn trừ nguyên nhân căn bản, tạo ra các uẩn ô nhiễm, là nền tảng của mọi khổ đau. Việc tự tử sẽ không giải quyết vấn đề của mình.

Tập Đế 

Bởi vì đó là vấn đề, nên giờ đây, chúng ta phải khảo sát nhân tạo khổ. Có nguyên nhân hay không? Nếu như có, thì đó là loại nguyên nhân nào: một nguyên nhân tự nhiên mà mình không thể loại bỏ, hay là nhân phụ thuộc vào các nguyên nhân của nó, nên có thể được loại bỏ? Nếu đó là một nguyên nhân có thể được loại bỏ, thì mình có thể loại bỏ nó không? Thế là chúng ta đi đến với chân đế thứ hai: tập đế, hay nguyên nhân chân thật tạo ra nỗi khổ.

Đối với vấn đề này thì đạo Phật khẳng định rằng không có đấng sáng tạo bên ngoài, và dù một vị Phật là bậc thù thắng nhất, ngay cả Phật cũng không có khả năng tạo ra sự sống mới. Nói cách khác là một vị Phật không thể tạo ra hành khổ của các uẩn ô nhiễm của một sự tái sinh trong tương lai. Vậy thì nhân tạo khổ là gì?

Nói chung thì căn nguyên là tâm thức. Nói một cách cụ thể thì tâm chịu sự tác động của những phiền não như sân hận, tham ái, ganh tỵ, si mê, vân vân... là nguyên nhân chính cho tái sinh và tất cả những vấn đề liên quan đến nó. Tuy nhiên, không có khả năng để chấm dứt hay làm gián đoạn dòng tâm thức này. Hơn nữa, về bản tánh nội tại thì không có gì sai lầm ở mức độ sâu sắc nhất, vi tế nhất của tâm thanh quang. Về bản tánh thì nó hoàn toàn thanh tịnh. Tuy nhiên, tâm sâu sắc nhất có thể bị tác động vì cảm xúc phiền não và tư tưởng tiêu cực. Vì vậy nên câu hỏi là liệu mình có thể chiến đấu và khống chế tâm sân hận, tham ái và những phiền não khác hay không. Nếu như có thể đoạn diệt chúng, thì điều còn lại sẽ là một tâm thanh tịnh, thoát khỏi nhân tạo khổ mãi mãi.

Điều này đưa ta đến những phiền não, đó là những tâm sở. Có nhiều cách khác nhau để trình bày việc bàn luận của tâm thức, nhưng nói chung thì tâm đề cập đến hoạt động tinh thần (tâm hành), và đặc điểm xác định của nó là “tánh quang minh và tánh giác đơn thuần”. Điều này có nghĩa là hoạt động của việc phát sinh các hiện tướng trong tinh thần, hay tâm ảnh ba chiều của các đối tượng và đồng thời nhận thức chúng, và không có gì hơn. Khi nói về những phiền não như sân hận và tham ái, thì phải xem cách chúng có thể ảnh hưởng và làm ô nhiễm tâm hành này, tức tâm thức. Trên thực tế thì bản tánh của chúng là gì? Thế thì điều này là trọng tâm chính của việc bàn luận về căn nguyên chân thật của khổ.

Nếu như chúng ta thắc mắc làm thế nào mà tâm tham ái và sân hận lại phát sinh, thì câu trả lời là, hiển nhiên là sự phát sinh của chúng được hỗ trợ bằng tâm chấp thủ vào sự tồn tại của các pháp được thiết lập một cách chân thật, và có thể được tìm thấy từ chính phía chúng: cái gọi là “chấp vào sự tồn tại chân thật”. Chẳng hạn như khi mình tức giận về điều gì, thì ta cảm thấy đối tượng ở ngoài thật rắn chắc, chân thật và không do định danh mà có, và chính mình cũng là điều gì vững chắc, có thể được tìm thấy. Trước khi tức giận thì đối tượng xuất hiện một cách bình thường; nhưng khi tâm sân bắt đầu ảnh hưởng đến tâm mình, thì đối tượng trông xấu xí, hoàn toàn phản cảm, buồn nôn, là cái gì mà ta muốn loại bỏ ngay lập tức. Sự tồn tại của nó theo cách phản cảm dường như được thiết lập từ chính phía nó, bằng tự tánh của nó. Dường như đối tượng thật sự tồn tại theo cách đó: rắn chắc, độc lập và rất xấu xa. Hiện tướng của “sự xấu xí chân thật” này sẽ châm mồi cho cơn giận. Tuy nhiên, khi nhìn cùng một đối tượng vào ngày hôm sau, khi cơn giận của mình đã lắng xuống, thì nó có vẻ đẹp hơn so với ngày hôm qua. Tuy là cùng một đối tượng, nhưng nó không có vẻ xấu xa. Điều này cho thấy cách mà tâm sân hận và tham ái chịu sự tác động của tâm chấp thủ vào sự tồn tại của những pháp được thiết lập một cách chân thật, và có thể tìm thấy từ phía chúng.

Do đó, kinh sách về triết học Trung đạo (Madhyamaka) nói rằng căn nguyên của mọi phiền não và tham ái là tâm chấp thủ vào sự tồn tại thật sự được thiết lập, theo nghĩa là tâm chấp thủ này tạo ra những sự rối loạn tinh thần, hỗ trợ và duy trì chúng. Do đó, tâm vô minh chấp vào sự tồn tại của các pháp như được thiết lập thật sự, bằng chính tự tánh của chúng, là nguồn gốc cơ bản của tất cả những nỗi khổ của chúng ta. Dựa trên tâm chấp thủ vào sự tồn tại thật sự được thiết lập này, mà mình phát triển đủ loại phiền não, dựa vào đó, ta sẽ hành xử một cách tiêu cực, và tạo ra ác nghiệp lớn lao.

Trong tác phẩm Nhập Trung Quán Luận (dBu-ma-la ‘jug-pa, Phạn ngữ: Madhyamakavatara) (về tác phẩm Nhập Trung Quán của Long Thọ) thì Nguyệt Xứng, đại học giả Ấn Độ, đã viết rằng trước tiên, có tâm chấp thủ vào sự tồn tại thật sự được thiết lập của tự ngã, vào “tôi”, rồi quyến luyến với cái “tôi” đó. Tiếp theo là tâm chấp thủ vào sự tồn tại thật sự được thiết lập của các pháp, và quyến luyến với chúng như là những thứ “của tôi”, và “tôi, với tư cách là người sở hữu chúng”.

Nói cách khác thì thoạt đầu, dường như có một cái “tôi” rất vững chắc, tồn tại một cách độc lập, rất to lớn, lớn hơn bất cứ cái gì khác, thiết lập sự tồn tại của chính nó, bằng tự lực của nó. Đây là nền tảng. Từ đó, mới có hiện tướng giả dối của các pháp khác và người khác, như thể sự tồn tại của họ cũng được thiết lập từ chính phía họ. Dựa vào đó thì mới có sự xuất hiện của một cái “tôi”, thật sự được thành lập như người sở hữu chúng, như là “của tôi”. Sau đó, vì mình đứng về phía của cái “tôi” ấy, nên mới có sự xuất hiện của “người khác”, thật sự được thành lập như họ tồn tại từ phía của họ, ví dụ như kẻ thù “của tôi”. Hướng về tôi, “tôi, là người sở hữu mọi thứ”, và “các thứ 'của tôi'”, thì tâm tham ái phát sinh. Đối với anh ấy hoặc cô ấy thì mình cảm thấy có khoảng cách và tức giận. Sau đó thì lòng ganh tỵ và tất cả những sự ganh đua như vậy phát sinh. Vì vậy, cuối cùng thì vấn đề là cảm giác về tôi, không chỉ là “tôi”, mà là cái “tôi” giả dối ám ảnh tâm mình. Điều này làm nảy sinh ra việc suy nghĩ với tâm sân hận và cáu kỉnh, cùng với việc nói những lời gay gắt, và những hành vi khác nhau bằng thân thể, dựa trên lòng ác cảm và thù hằn. Tất cả những hành vi tiêu cực này của thân, khẩu, ý sẽ tạo ra ác nghiệp.

Việc giết hại, nói dối và tất cả các hành vi tiêu cực tương tự cũng bắt nguồn từ động lực tiêu cực của phiền não. Giai đoạn đầu tiên chỉ là về mặt tinh thần: suy nghĩ về những tư tưởng tiêu cực, dựa vào phiền não. Trong giai đoạn thứ hai thì cách suy nghĩ tiêu cực này dẫn đến những hành vi tiêu cực của thân và khẩu. Bầu không khí sẽ bị xáo trộn ngay lập tức. Ví dụ như đó là tâm sân thì bầu không khí trở nên căng thẳng; mọi người cảm thấy khó chịu. Nếu như một người nổi giận, thì những người hiền lành sẽ cố gắng lánh xa người này. Sau đó, người đã nổi sân cũng cảm thấy ngượng nghịu và xấu hổ, vì đã nói những lời vô lý, bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu họ.

Khi mình tức giận thì không có chỗ cho tính hợp lý hay lý lẽ; theo nghĩa đen là mình trở thành “người điên”. Sau này, khi đầu óc trở lại bình thường, thì ta mới thấy xấu hổ. Không có gì tốt đẹp về tâm sân hận và tham ái; không có kết quả tốt đẹp nào có thể xảy ra. Có lẽ khó mà kiểm soát được chúng, nhưng mọi người có thể nhận thấy rằng chúng không có gì tốt đẹp cả. Vậy thì đây là diệu đế thứ hai.

Diệt Đế 

Bây giờ, câu hỏi đặt ra là liệu những loại tâm thức tiêu cực này có thể được loại bỏ hay không. Điều này đưa ta đến việc bàn luận về diệu đế thứ ba, diệt đế, hay sự chấm dứt của nỗi khổ.

Như đã thấy thì căn nguyên của mọi phiền não và nghiệp để suy nghĩ, nói năng và hành động theo chúng là tâm chấp thủ về sự tồn tại của các pháp được thiết lập một cách chân thật bằng tự tánh của chúng, và có thể được tìm thấy. Do đó, phải khảo sát xem liệu tâm thức chấp vào sự tồn tại của các pháp được thiết lập theo cách này là đúng, hay là nó bị lệch lạc, và nhận thức các pháp một cách sai lầm hay không.

Chúng ta có thể làm việc này bằng cách khảo sát cách mà sự tồn tại của các đối tượng đối với tâm nhận thức như vậy có thể được thiết lập. Tuy nhiên, vì chính tâm chấp thủ này không có khả năng xác định liệu nó có nhận thức đối tượng một cách đúng đắn hay không, nên phải dựa vào một loại tâm thức khác. Nếu như sau khi đã khảo sát tường tận, mà ta phát hiện ra nhiều cách khác để nhận thức các pháp một cách hợp lệ, mà mâu thuẫn hay phủ nhận cách mà tâm chấp vào sự tồn tại thật sự được thiết lập nhận thức đối tượng của nó, thì có thể kết luận rằng tâm chấp thủ này không nhận thức thực tại một cách đúng đắn. Do đó, với tâm thức có thể phân tích chân lý cứu cánh của các pháp, phải cố xác định xem liệu tâm chấp vào sự tồn tại của các pháp như thật sự được thiết lập bằng tự tánh của chúng là đúng hay sai. Nếu như nó đúng, thì cuối cùng, trí phân tích có thể tìm thấy những tự tánh này trong chính đối tượng, theo cách mà chúng được bám chấp.

Các tác phẩm cổ điển vĩ đại của Duy thức (Chittamatra), đặc biệt là các trường phái Trung quán (Madhyamaka) chứa đựng nhiều lý lẽ để thực hiện một cuộc khảo sát như vậy. Khi áp dụng chúng, để tìm hiểu xem liệu tâm chấp vào sự tồn tại thật sự được thành lập và có thể được tìm thấy là đúng hay không, thì ta sẽ phát hiện ra là nó không đúng. Nó bị lệch lạc, bởi vì mình thật sự không thể tìm thấy đối tượng mà nó bám chấp vào. Vì tâm thức này bị lừa gạt về đối tượng của nó, nên phải được loại bỏ.

Thế thì qua việc khảo sát, ta sẽ phát hiện ra là không có sự hỗ trợ hợp lệ nào cho tâm chấp thủ cả. Tuy nhiên, chúng ta thấy có sự hỗ trợ của lý luận hợp lý cho tâm chứng ngộ rằng tâm chấp thủ là không hợp lệ. Trong cuộc chiến nội tâm thì tâm được hỗ trợ bằng lý lẽ luôn luôn chiến thắng tâm không được lý lẽ hỗ trợ. Sự thấu hiểu rằng không có sự tồn tại được thiết lập một cách chân thật, và có thể được tìm thấy, thì phù hợp với cách mà tâm thanh quang ở mức độ vi tế nhất sẽ nhận thức các pháp. Mặt khác, tâm chấp vào sự tồn tại của các pháp như thật sự được thiết lập, và có thể được tìm thấy thì phù hợp với cách mà những mức độ của tâm thức thiển cận, thoáng qua sẽ nhận thức đối tượng của chúng. Do đó, vì mức độ tinh vi nhất là mức độ sâu sắc nhất sẽ tiếp tục không gián đoạn, vô thủy và vô chung, trong khi những mức độ thoáng thì thiển cận; nên yếu tố thứ hai có thể được loại bỏ, để lại sự tương tục vĩnh cửu của yếu tố thứ nhất.

Khi đoạn trừ phiền não, là nhân tạo khổ, thì ta cũng đoạn trừ khổ đau. Đó là giải thoát, hay chân diệt của khổ đau: diệu đế thứ ba.

Đạo Đế 

Bởi vì có thể thành tựu được chân diệt này, là điều sẽ tồn tại miên viễn, nên giờ đây, chúng ta phải xem xét phương pháp đem lại sự thành tựu của nó. Điều này đưa ta đến diệu đế thứ tư: những đạo lộ tâm thức, hay “chân đạo”, đưa đến chân diệt của nỗi khổ. Khi nói về những chân đạo được chia sẻ với cả ba thừa trong đạo Phật – Tiểu thừa, và trong Đại thừa thì có Ba la mật thừa (Paramitayana) và Kim Cang thừa (Vajrayana) – thì chúng ta đang đề cập đến 37 phẩm trợ đạo, đưa đến một trạng thái tịnh hóa. Khi nói cụ thể về chân đạo của Bồ tát thừa, Đại thừa, thì mình đang đề cập đến Thập địa và Lục độ ba la mật, cái gọi là “sáu hạnh hoàn hảo”.

Chúng ta thấy việc tu tập đường tu Tiểu thừa phổ biến nhất ở Thái Lan, Miến Điện (Myanmar), Tích Lan (Sri Lanka), Lào và Campuchia. Tại đây, các hành giả được thúc đẩy vì ước nguyện thành tựu giải thoát, để thoát khỏi nỗi khổ của riêng mình. Vì quan tâm đến giải thoát của riêng mình, nên họ sẽ tu tập để phát triển 37 phẩm trợ đạo, đưa đến một trạng thái tịnh hóa. 37 pháp tu này là những đạo lộ tâm thức, liên quan đến các tâm thức của ngũ đạo chung chung hơn.

  • Tứ niệm xứ, tứ chánh cần và tứ như ý túc có liên hệ với “Tích lũy đạo”.
  • Ngũ căn và ngũ lực liên quan đến “Gia hành đạo”.
  • Thất bồ đề phần để đạt được trạng thái tịnh hóa thì liên quan đến “Kiến đạo”.
  • Bát chánh đạo liên quan đến “Thiền định đạo”.

Khi phát triển những chân đạo này theo trình tự thì hành giả có thể hoàn toàn đoạn diệt phiền não, đem lại sự chân diệt của nguồn gốc chân thật, tạo ra nỗi khổ của họ, và thành tựu biệt giải thoát. Đây là những chân đạo và kết quả của chúng trong Tiểu thừa.

Mối quan tâm hàng đầu của các hành giả Đại thừa không chỉ đơn thuần là giải thoát của riêng mình, mà là giác ngộ của tất cả chúng sinh. Với động lực là bồ đề tâm, thì lòng quyết tâm thành tựu giác ngộ sẽ là phương tiện tốt nhất để giúp đỡ tha nhân, nên các hành giả này sẽ phát triển Lục độ ba la mật của hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Họ sẽ tiến tu bằng cách phát triển tâm thức trên thập địa của chư Bồ tát thánh nhân, cho đến khi hoàn toàn đoạn trừ nhị chướng là phiền não chướng và sở tri chướng, và thành tựu giác ngộ tối thượng của Phật quả. Đây là những chân đạo và kết quả của chúng trong Đại thừa nói chung.

Tinh túy của việc tu tập lục độ ba la mật là tính hợp nhất của phương tiện và trí tuệ, để thành tựu hai thân giác ngộ – Sắc thân (Rupakaya), và Pháp thân (Dharmakaya). Vì hai thân này chỉ được thành tựu cùng một lúc, nên nhân của chúng phải được trưởng dưỡng trong cùng một lúc. Do đó, chúng ta phải tích tập cái gọi là “công đức”, là nhân để thành tựu Sắc thân, và “trí tuệ”, là nhân để thành tựu Pháp thân. Trong Ba la mật thừa (Paramitayana) thì ta sẽ tu tập phương tiện, được ấp ủ bằng mãnh lực của trí tuệ, và trí tuệ, được ấp ủ bằng mãnh lực của phương tiện, nhưng trong Kim cang thừa thì mình sẽ tu tập phương tiện và trí tuệ như chúng đều có cùng bản tánh tinh túy. 

Top