Đạo Đức Nhà Phật Trong Dịch Vụ Xã Hội

Nếu muốn làm việc trong các ngành nghề giúp đỡ người khác, thì vai trò của đạo đức trên con đường phụng sự xã hội là một chủ đề rất quan trọng. Dù đó là dịch vụ xã hội, giáo dục hay chăm sóc sức khỏe, thì đạo đức là khía cạnh rất quan trọng trong đó. Rõ ràng là khi cố gắng giúp đỡ người khác, thì mình phải kềm chế, để không làm tổn thương người khác, và cố gắng hết sức để hỗ trợ họ bằng mọi cách, dù không biết những phương pháp tốt nhất để làm như vậy. Bởi vì tất nhiên là mỗi người mà mình giúp đỡ là một cá nhân, và điều gì có thể thích hợp với người này, thì không nhất thiết phù hợp với người khác. Nên khi làm việc trong bất cứ ngành nghề xã hội, trợ giúp nào, cũng đòi hỏi rất nhiều kiến thức, tính nhạy cảm với người khác, và cơ sở của tất cả những điều này là đạo đức.

Video: Thubten Chodron — “Đạo Phật Trong Đời Sống Chuyên Gia”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Giới Luật

Đạo Phật nói về đạo đức, theo nghĩa đạo đức tự giác. Nếu muốn thực hành một hệ thống đạo đức, thì rõ ràng mình phải có kỷ luật. Vì vậy nên hai yếu tố này có liên hệ mật thiết với nhau. Kỷ luật này không giống như việc trở thành một nam cảnh sát hay nữ cảnh sát, khi mình phải áp dụng kỷ luật hay luật pháp với người khác, mà đúng hơn là áp đặt kỷ luật đó cho bản thân, và tất nhiên sẽ đòi hỏi việc khắc phục tính lười biếng, thờ ơ và đủ các loại chướng ngại, để có kỷ luật. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi biết đâu là những nguyên tắc đạo đức mà mình phải tuân theo, và có động lực để tuân theo những điều đó, nhưng vẫn phải vượt qua bất cứ sự khó khăn nào mà mình sẽ gặp phải, khi thực hành nó. Vì vậy nên đề tài đạo đức này là một chủ đề rất rộng lớn, và có rất nhiều khía cạnh khác nhau mà chúng ta phải rèn luyện, để có thể thực hành nó một cách hiệu quả.

Đạo Phật phân biệt ba loại giới luật. Loại đầu tiên là kỷ luật kềm chế hành vi tiêu cực. Ác nghiệp không chỉ giới hạn trong những hành vi của thân thể, mà còn trong lời nói - cách mình giao tiếp với người khác - và cũng bao gồm cả thái độ, cách mình suy nghĩ. Ta có thể làm theo thói quen giúp đỡ ai đó, nhưng trong đầu thì có đủ ý nghĩ xấu xa về họ. Nên điều đó cũng đòi hỏi giới luật, để kềm chế vấn đề này.

Loại giới luật thứ hai là kỷ luật dấn thân vào những hành vi tích cực, và điều này chủ yếu tập trung vào những gì mình sẽ tự làm, để rèn luyện khả năng giúp đỡ người khác. Điều này có nghĩa là học tập, rèn luyện và làm tất cả những điều cần thiết, để có đủ năng lực trong nghề nghiệp của mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải cập nhật nghề nghiệp của mình, và không chỉ dựa vào những gì mình đã học hỏi nhiều năm trước. Thật ra thì điều này đòi hỏi rất nhiều kỷ luật, để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, và học hỏi những phương pháp mới đang phát triển trong lãnh vực của mình. Điều đó thật không dễ dàng, bởi vì nếu chúng ta làm việc cả ngày và lo giúp đỡ người khác, thì sẽ khá mệt mỏi, và việc cập nhật công việc là điều mà ta phải thực hiện sau giờ làm việc.

Loại giới luật thứ ba là kỷ luật để thật sự dấn thân vào việc giúp đỡ tha nhân.

Vậy thì đó là việc hạn chế hành vi tiêu cực, dấn thân vào hành vi có tính cách xây dựng, giáo dục, và thật sự giúp đỡ tha nhân. Đây là ba lãnh vực giới luật mà Phật giáo nhấn mạnh, và tôi nghĩ điều này khá phù hợp với tất cả các lãnh vực phụng sự xã hội. Hãy xem xét ba điều này nhiều hơn một chút.

Kềm Chế Hành Vi Tiêu Cực Và Thực Hiện Hành Vi Tích Cực

Kềm chế hành vi tiêu cực. Hành vi tiêu cực là gì? Hành vi tiêu cực được giải thích trong Phật pháp là loại hành vi mà cho dù có liên quan đến thân, khẩu hay ý của mình, thì đều bị phiền não thúc đẩy. Về cách nó ảnh hưởng đến người khác, thì không thể nói chắc chắn được, bởi vì đôi khi, những gì mình làm, ngay cả với động cơ tốt lành, cũng có thể làm hại người khác - ví dụ như vì ta phạm sai lầm;  hay dù cố gắng giúp họ, nhưng họ không nghe lời khuyên của mình; những việc như vậy.

Hành Động Vì Ảnh Hưởng Của Tâm Sân

Thật sự thì điều mà ta có thể nói chắc là nếu như động cơ của mình tiêu cực hay phiền não, thì đó là hành vi tiêu cực. Ví dụ như  mình có thể hành động vì ảnh hưởng của tâm sân. Chẳng hạn như ta sẽ bực bội, vì cách người nào cư xử, hay cách sống của họ, nên khi cố gắng giúp đỡ họ, với tư cách là một nhân viên xã hội, ta sẽ hét vào mặt họ rằng: “Đừng hành xử như vậy! Đừng dùng ma túy nữa!”, hay bất cứ điều gì, nhưng có sự tức giận đằng sau cách mình đối xử với họ. Điều này không chỉ khiến cho mình không thể suy nghĩ một cách rõ ràng về đâu là cách tốt nhất để giúp đỡ đương sự, mà người kia cũng nhạy cảm, có thể cảm nhận được sự tức giận của mình, và thường phản ứng lại một cách rất tệ hại, nếu như ta tức giận với họ. Điều này không rất dễ dàng, vì công việc xã hội đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Chúng ta cố gắng giúp đỡ người khác, và cho họ lời khuyên bổ ích, v.v..., và họ không chấp nhận, và tất nhiên là ta sẽ thất vọng, vì không kiên nhẫn, và khi điều này xảy ra, thì ta rất dễ nổi giận với họ và mắng nhiếc, la lối với họ. Hoặc nếu như mình làm việc trong các dịch vụ y tế, thì sẽ nói rằng: “Tại sao bạn không uống thuốc? Bạn có chuyện gì không ổn không?". Đại loại là những việc này, nên rất dễ mất bình tĩnh.

Phát Tâm Bi Với Tha Nhân

Trong những hoàn cảnh như vậy, thì phải phát tâm bi - rằng người đáng thương này đang bối rối, và đang ở trong tình trạng khó khăn đến mức thậm chí không thể tiếp thụ lời khuyên tốt. Chúng ta không thể ép buộc người khác nghe theo lời khuyên của mình. Điều duy nhất mà ta có thể làm là tìm ra một phương pháp khéo léo hơn, để xem làm sao mình có thể thuyết phục người này thay đổi cách hành xử của họ? Nhưng nếu tâm ta tràn đầy sân hận, thất vọng và thiếu kiên nhẫn, thì điều này sẽ trở thành một trở ngại lớn, đối với việc suy nghĩ một cách rõ ràng đâu là cách tốt hơn để giao tiếp với người này?

Hành Xử Vì Ảnh Hưởng Của Tâm Tham Ái

Loại phiền não thứ hai là tâm tham ái và dục vọng. Rốt cuộc thì tất cả chúng ta đều là con người. Chúng ta có dục vọng. Chúng ta sẽ thấy một số người rất lôi cuốn. Nó có thể là sự thu hút về mặt tính dục đối với một số người mà mình đang giúp đỡ, với tư cách là khách hàng của mình, hay có thể là cách thu hút của người mẹ hoặc người cha đối với một đứa bé: “Ồ, thật là ngọt ngào, dễ thương làm sao”, v.v... Trong cả hai trường hợp, điều đó có thể khiến cho mình không thể nghiêm khắc với người này, điều mà đôi khi ta phải làm, khi cố gắng giúp đỡ họ. Hay là vì bị người này lôi cuốn, nên theo cách nào đó, ta sẽ khiến cho họ phải phụ thuộc về mình, để ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho họ một cách có ý thức, hay vô thức. Đây là điều phải tránh. Dĩ nhiên, điều đó không dễ dàng như vậy, bởi vì như tôi đã nói, chúng ta là con người, và tất nhiên khi mình mất bình tĩnh, thì cũng thấy một số người hấp dẫn.

Phát Tâm Bình Đẳng

Điều luôn được nhấn mạnh trong việc tu tập trong nhà Phật là phát tâm bình đẳng, nghĩa là không bị ảnh hưởng vì tính lôi cuốn hay ác cảm với người nào mà mình đang giúp đỡ, hay thờ ơ với một số người cần sự giúp đỡ (đó là hình thức thứ ba ở đây), mà đúng hơn là có thái độ cởi mở, bình đẳng với mọi người. Điều này có nghĩa là thái độ cởi mở, bình đẳng với những người dễ giúp đỡ, những người khó giúp đỡ, những người dễ giao tiếp, những người khó giao tiếp. Phương pháp để có thể phát triển điều này là thấy rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng: Giống như tôi, tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn khổ. Ai cũng muốn được quan tâm, chăm sóc, giống như tôi. Không ai muốn bị bỏ bê.

Thật ra thì điều tôi nghĩ đến là có một số người chỉ muốn được sống yên một mình. Họ không muốn ta giúp đỡ họ. Đây là những người khó khăn nhất. Và đó là một thử thách rất lớn, để không cảm thấy bị từ chối, và xem nó là vấn đề cá nhân. Đặc biệt, tôi đang nghĩ đến những người già trong viện dưỡng lão, thường không hợp tác cho lắm, đối với việc uống thuốc, hay làm những việc khác mà họ cần phải làm. Nhưng ngay cả khi họ không muốn sự giúp đỡ của mình, và muốn được ở yên một mình, thì ta vẫn phải có thái độ bình đẳng với họ, không thờ ơ với họ.

Thậm chí mạnh mẽ hơn việc chỉ nghĩ rằng: “Ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ”, là hãy nhìn mọi người như thể họ là họ hàng, hay người bạn thân nhất của mình. Người trong viện dưỡng lão có thể là mẹ tôi hay cha tôi, và tôi không muốn thờ ơ với họ, hay xử tệ với họ. Chúng ta cũng có thể nghĩ về việc: “Một ngày nào đó, tôi sẽ ở trong viện dưỡng lão, và tôi sẽ không muốn người nào dửng dưng, hay xử tệ với mình”. Hoặc nếu đang làm việc với trẻ em, thì "Đây có thể là con tôi." Hoặc nếu đó là người cùng tuổi với mình, thì "Đây có thể là anh em của mình, bạn thân của mình.". Điều này sẽ giúp ta phát triển thêm tâm bình đẳng, cởi mở rằng tất cả mọi người đều quan trọng như nhau.

Hành Động Vì Ảnh Hưởng Của Tâm Si Mê

Một phiền não khác là si mê. Si mê có nghĩa là, ví dụ như mình quá bận rộn, để tìm hiểu tường tận về người mà mình đang giúp đỡ, và vì vô minh, vì mê muội của về hoàn cảnh của họ, mà ta không giúp đỡ họ một cách tốt đẹp. Hãy nhớ rằng tất cả mọi người đều là một cá nhân, và ai cũng có chuyện riêng, bối cảnh riêng, và sự việc sẽ không dễ dàng, khi ta phải tiếp xúc với quá nhiều khách hàng trong ngày, đến nỗi không có thời gian để chú ý đến người nào trong số những người này cả. Tuy nhiên, dù ở trong hoàn cảnh nào với công việc, dù phải tốn bao nhiêu thời giờ để giải quyết vấn đề với từng cá nhân, thì điều quan trọng là cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về người này. Càng tìm hiểu về người nào, thì ta càng có khả năng giúp đỡ họ tốt hơn. Nhưng nếu không quan tâm đến họ, hay quá mệt mỏi, hoặc lười biếng, thì khả năng giúp đỡ họ sẽ rất hạn chế. Điều đó có nghĩa là trong khi làm việc, không phải lúc nào cũng nghĩ về bản thân mình và vấn đề cá nhân, mà hãy quan tâm đến người khác. Vậy thì nó liên quan đến việc kềm chế những ý nghĩ khiến cho công việc của mình không hữu hiệu, theo cách tiêu cực, có hại cho công việc của mình. Nếu tôi chỉ nghĩ rằng: “Ồ, mình có vấn đề với việc này và việc kia ở nhà,” thì bạn sẽ không chú ý đến thân chủ của mình.

Hành Động Trong Khi Quá Xúc Động Và Quá Khích

Có rất nhiều tâm trạng và cảm xúc có thể khiến công việc của mình có hiệu quả thấp hơn. Bên cạnh những phiền não mà tôi vừa đề cập, còn có tình huống mà một số người sẽ trải qua là quá xúc động. Nếu như quá xúc động, và có quá nhiều cảm giác mạnh mẽ, giả sử như khi phải xử lý với những người bị thương vì tai nạn, vân vân, và mình bắt đầu khóc, v.v..., thì không thể giúp người này. Điều đó đòi hỏi một sự quân bình rất tinh tế giữa việc không đi đến hai cực đoạn. Một là tình cảm lạnh nhạt, không có cảm giác gì. Hai là là quá xúc động đối với mọi việc, khiến cho mình không thể làm việc.

Để không đi đến cực đoan lạnh lùng và không có cảm giác gì cả, thì nên nhớ rằng tất cả mọi người đều có phản ứng nồng nhiệt, khi tiếp xúc với con người. Họ không muốn ai cư xử như một cái máy đối với họ. Một nụ cười, một cái nắm tay, giả sử vậy, nếu họ đang nằm trên giường bệnh, sẽ tạo ra thêm tình người, tình cảm ấm áp, điều rất quan trọng để giúp đỡ người khác.

Mặt khác, nếu như quá xúc động, thì phải nhận thức rằng thật ra điều này chỉ quan tâm đến bản thân mình: “Ồ, tôi không thể chịu đựng nổi. Điều này quá tệ hại. Thật là kinh khủng.”. Trên cơ bản, chúng ta đang nghĩ về bản thân mình, chứ không thật sự nghĩ về người  khác. Chúng ta đang nghĩ về cách mình cảm nhận về điều đó. Nếu như con của mình bị thương, và ta trở nên cuồng loạn, chỉ khóc lóc hoài, thì không thể giúp con mình, và thực tế là điều đó sẽ làm cho đứa nhỏ sợ hãi. Chúng ta phải bình tĩnh, để trấn an con mình, và suy nghĩ rõ ràng mình phải làm gì, để giúp con của mình (giả sử như chúng làm đứt tay, và chảy máu rất nặng).

Tất cả những điểm mà tôi đang đề cập đều phù hợp với loại giới luật dấn thân vào hành vi có tính xây dựng. Nói cách khác là chúng ta phải rèn luyện bản thân theo những phương pháp này, để không đi đến những cực đoan mà chúng ta vừa bàn luận đến. Hành vi tích cực không chỉ là tiếp tục giáo dục, mà còn là cải thiện bản thân, để có thể phát triển kỹ năng cảm xúc, để có thể giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu và quân bình. Và đạo Phật đưa ra nhiều phương pháp có thể giúp chúng ta trong lãnh vực này. 

Giúp Đỡ Tha Nhân

Khắc Phục Tính Lười Biếng

Để thực hiện loại giới luật thứ ba, giúp đỡ tha nhân, thì tất nhiên, phải khắc phục tính lười biếng. Tính lười biếng có nhiều khía cạnh. Một người đang bị phân tâm vì những việc khác. Ví dụ như: “Chương trình mà tôi thích nhất đang được chiếu trên truyền hình, nên tôi muốn xem chương trình đó, vì tôi rất thích nó, hơn là đứng dậy để giúp đỡ bạn”. Hay là bị phân tâm vì những điều khá tầm thường, là một hình thức lười biếng. "Tôi thà nằm trên giường lâu hơn một chút, hơn là ngồi dậy để đi làm.". Đó là lười biếng, đúng không?

Rồi một hình thức lười biếng khác là trì hoãn, gác lại mọi việc, không làm ngay bây giờ. Trong bất cứ công việc nào, thì tôi nghĩ bạn biết rằng công việc sẽ có xu hướng chồng chất thêm. Càng ngày càng có thêm nhiều việc. Nó sẽ không dừng lại. Nếu như không quan tâm đến mọi việc khi chúng xảy ra - hãy cho là với máy vi tính của mình, dù đó là điện thư (email), hay giấy tờ trên bàn làm việc, hay bất cứ điều gì - thì nó sẽ chồng chất ngày càng nhiều hơn, và sau đó thì sẽ gần giống như một cơn sóng thần của công việc, bao trùm lên chúng ta, và khiến cho mình choáng ngợp, vì có quá nhiều việc phải làm. Nếu mình làm một công việc bận rộn, và có yêu cầu cao, thì không thể gác lại mọi thứ vào ngày mai, mà phải giải quyết mọi việc trong từng ngày một.

Tất nhiên là điều này đòi hỏi cái mà mình gọi là tinh tấn. Tinh tấn để tiếp tục, ngay cả khi mệt mỏi, nhưng mình phải làm xong việc. Nhưng đến mức nào đó thì phải nghỉ ngơi, bởi vì không thể giải quyết công việc của mình, hay với người khác một cách hiệu quả nữa, vì ta đã quá mệt mỏi. Một trong những nguyên tắc quan trọng để có thể duy trì nỗ lực của mình trong thời gian dài là biết khi nào mình nên nghỉ ngơi, và sẽ làm như vậy, mà không thấy tội lỗi. Nhưng dĩ nhiên điều đó có nghĩa là không đi đến mức xem bản thân mình như một đứa bé, và nghỉ ngơi quá nhiều. Đó là một hình thức của sự lười biếng: chỉ nghỉ ngơi, vì cảm thấy dễ chịu hơn là làm việc.

Việc nghỉ ngơi cũng đòi hỏi việc hiểu rõ về bản thân, để biết điều gì sẽ giúp cho mình thư giãn, và tái tạo năng lượng. Đối với một số người, nó có thể là chỉ chợp mắt một chút, hay là đi ngủ. Đối với người khác thì có thể là ra ngoài và tận hưởng một chút không khí trong lành, tản bộ một chút. Đối với người khác thì có thể là xem phim hay truyền hình. Đối với một số người thì có thể là nấu ăn. Có rất nhiều việc mà mỗi người trong chúng ta có thể cảm thấy thư giãn, như đọc sách, bất kể đó là sách gì. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ bản thân, và biết khi nào mình phải nghỉ ngơi, và điều gì sẽ giúp cho mình thư giãn, và thêm vào đó, khi đã nghỉ ngơi đủ rồi, thì phải có kỷ luật để đứng dậy và trở lại với công việc.

Một trong những điều ngăn cản mình làm việc trở lại là: “Tôi không thích làm việc.”. Vì vậy mà ta phải làm việc dựa vào động lực của mình. Chúng ta đang cố gắng giúp đỡ người khác, nên những gì mình đang làm là để giúp đỡ người khác. Nếu như cần sự giúp đỡ, thì ta sẽ không thích, nếu người mà mình đang nhờ vả quá bận rộn, hay quá mệt mỏi, hoặc phải xem xong chương trình truyền hình, trước khi họ giúp mình. Ta không muốn người mà mình đang nhờ vả sẽ hành động như vậy, thì tất cả mọi người cũng cảm thấy như vậy đối với mình, nếu như họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của ta. Đây là một phương pháp rất quan trọng trong nhà Phật, đó là đặt mình vào vị trí của người khác, và xem mình sẽ cảm thấy như thế nào, nếu như có ai đối xử với mình theo cách mà ta đối xử với họ.

Chúng ta đã đối phó với hai hình thức trong số các hình thức lười biếng, đó là lười biếng khi chỉ chú trọng vào những việc tầm thường, và lười biếng nên cứ trì hoãn mọi việc. Loại lười biếng thứ ba là thối chí: “Tôi không đủ tốt. Tôi không thể làm điều này. Nó vượt qua khả năng của mình." Đây là một trở ngại lớn. Trên thực tế, có thể ta không biết phải làm gì để giúp người nào. Điều đó có xảy ra. Trong thực tế, nó có thể xảy ra khá thường xuyên, khi làm việc trong các dịch vụ xã hội, chẳng hạn như vậy. Nhưng việc cảm nhận rằng: “Tôi không có đủ khả năng. Tôi không tốt.”, rồi hành hạ bản thân về mặt tâm lý và cảm xúc, nhưng điều này sẽ không giúp ích được gì, bởi vì đây là một hình thức lười biếng. Nó lười biếng theo nghĩa là mình không cố gắng nhiều hơn nữa, nên chỉ kết luận rằng: "Tôi không tốt đủ.".

Chúng ta chưa phải là Phật, ít nhất là chưa thành Phật, nên dĩ nhiên không biết đâu là điều tốt nhất cho người khác, nên sẽ phạm sai lầm. Chúng ta chỉ là con người, nhưng vấn đề là phải tiếp tục cố gắng, không được bỏ cuộc vì lười biếng. Hãy tham khảo ý kiến của người khác, nếu như có ai đó, để cho ta lời khuyên về cách làm việc, nếu không thể tìm ra phương pháp hữu hiệu. Tuy có trách nhiệm giúp đỡ những người mà mình phải giúp, nhưng cũng phải tránh cảm giác cực đoan như: “Tôi là vị cứu tinh thiêng liêng, và sẽ cứu rỗi mọi người.”, bởi vì điều đó dễ trở thành động lực trong vô thức, khiến cho mọi người phải phụ thuộc vào mình, và biết ơn ta, vì ta đã cứu họ, và ta sẽ ganh tỵ và đố kỵ, nếu như có người khác giúp đỡ họ, chứ không phải mình. Nhưng nếu động lực của mình thật sự là muốn người khác được lợi lạc và có sự giúp đỡ, thì vấn đề ai là người giúp họ cũng không quan trọng. Vấn đề là họ phải khắc phục vấn đề. Nếu như thấy rằng mình không giúp được, ý của tôi là nói một cách khách quan là mình không có khả năng giúp người này, thì điều rất quan trọng là đừng cảm thấy tự hào, và để cho lòng kiêu hãnh ngăn cản mình giới thiệu họ cho người khác, mà ta nghĩ có thể giúp cho họ tốt hơn mình.

So reaffirming our motivation is a very important method emphasized over and again in Buddhism. Here our motivation in being in any type of social work is that the other person be helped with their problem, be free from whatever their problem might be, and it doesn’t mean me, that I have to necessarily be the one to do that, although, as I said, we do take responsibility: “I’m going to try as best to help as I can.”.

Vì vậy, việc khẳng định lại động lực của mình là phương pháp rất quan trọng, được nhấn mạnh nhiều lần trong nhà Phật. Ở đây, động lực của mình đối với việc tham gia bất cứ công việc xã hội nào là để giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của họ, thoát khỏi bất cứ vấn đề gì, và không có nghĩa là mình nhất thiết phải là người làm điều đó, mặc dù, như tôi đã nói, chúng ta sẽ gánh trách nhiệm là: “Tôi sẽ cố gắng hết sức, để giúp đỡ với khả năng của mình.”.   

Phát Triển Thái Độ Quan Tâm

Đạo đức phụ thuộc rất nhiều vào việc có được cái gọi là lòng quan tâm: "Tôi quan tâm đến việc hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao.". Không phải là tôi chỉ làm việc để kiếm tiền thôi, và không quan tâm đến người khác, hay không nghĩ đến việc những gì mình làm có hữu ích hay không. Chúng ta cũng phải quan tâm đến ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra, đối với bản thân. Thái độ quan tâm này dựa trên sự hiểu biết, và nghiêm túc về nhân quả. Chúng ta sẽ hành động theo cách nào đó, với một động lực nào đó, và nó sẽ tạo ra một hiệu quả nào đó, và hoàn toàn tin chắc là có một hiệu quả. Đó là ý nghĩa của việc nghiêm túc về việc này, và có lòng quan tâm. Những gì ta làm sẽ ảnh hưởng đến người khác, và cũng ảnh hưởng đến mình.

Vậy thì khi dấn thân vào giới luật này để giúp đỡ tha nhân, loại giới luật thứ ba, thì điều quan trọng nhất ở đây là phải có lòng quan tâm. Nhưng lòng quan tâm cũng nằm sau việc dấn thân vào hành vi có tính xây dựng, loại giới luật này. Ví dụ như: “Tôi quan tâm đến việc làm việc một cách hữu hiệu, nên sẽ có kỷ luật, để tiếp tục học hỏi và rèn luyện bản thân.”. Thái độ quan tâm này cũng nằm sau giới luật kềm chế hành vi tiêu cực. “Vì quan tâm đến việc hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác và bản thân như thế nào, nên tôi không muốn gây tổn hại.”. Cụ thể hơn là: “Tôi không muốn gây tổn hại, bằng cách hành động dưới sự tác động của tâm sân hận, sự lôi cuốn, si mê và ganh tỵ” và tất cả những điều này, hay tự hào rằng: "Dù không biết cách giúp đỡ, nhưng tôi sẽ giả vờ là mình biết.".

Để có thái độ quan tâm này, thì phải có ý thức cơ bản về các giá trị, giá trị đạo đức, ý thức tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp, và những người có các phẩm chất này. Nói cách khác là ngưỡng mộ những người xuất sắc trong lãnh vực giúp đỡ người khác - dù là nghĩ về Mẹ Theresa, hay bất cứ người nào khác - và rất ngưỡng mộ, cũng như tôn trọng một người như vậy, và đó là tấm gương của mình. Điều rất quan trọng là phải có một vài người tạo ra nguồn cảm hứng trong lãnh vực của mình, để ta ngưỡng mộ, và làm gương cho mình. Việc đã gặp gỡ người đó hay chưa thì không quan trọng, nhưng mình sẽ tôn trọng người này, vì có ý thức về giá trị. Chúng ta xem cách họ sống là điều có giá trị, và tôn trọng điều đó. Thêm vào đó, ta cũng nhận ra là mình có tất cả nguyên liệu cơ bản để trở thành như những người này. Đây là cái gọi là Phật tánh trong giáo lý nhà Phật. “Tôi có một thân thể. Tôi có khả năng giao tiếp. Tôi có trái tim và cảm giác. Tôi có trí tuệ: Tôi có thể thấu hiểu mọi thứ, lãnh hội mọi việc. Tôi có khả năng. Tôi có thể học hỏi.". Vậy thì mình có tất cả những phẩm chất này ở bên trong. Đây là nguyên liệu của mình, nên ta nhận ra là mình thật sự có thể giống như những nhân vật tạo ra nhiều cảm hứng này. Vì vậy, khi biết tôn trọng bản thân, có lòng tự trọng, thì điều đó sẽ giúp ta quan tâm đến cách mà hành vi của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào, và áp dụng giới luật. Đó là cảm giác: “Tất nhiên là mình luôn luôn có thể làm tốt hơn. Tất nhiên là tôi có thể giúp đỡ.”, và ta sẽ xem đó là một giá trị tích cực.

Vậy thì đây là một vài ý nghĩ của tôi, dựa vào giáo lý nhà Phật, về vai trò của đạo đức trên con đường phụng sự xã hội. Nếu đó là lãnh vực mà bạn sẽ theo học, thì đây là cơ hội tuyệt vời, để thật sự làm điều gì tích cực, đóng góp lớn lao bằng cuộc đời của mình. Công việc này sẽ giúp cho đời sống rất có ý nghĩa và đáng giá, vì chúng ta đang tạo lợi lạc cho tha nhân. Ở Berlin, ở nước Đức, nơi mà tôi đang sống, tôi có một vài học sinh đang tham gia vào việc này. Một trong những học sinh của tôi làm việc ở một ngôi nhà, một cơ sở dành cho những người có khuyết tật nặng nề về tinh thần, đó là hội chứng Down (Down's syndrom), là loại trẻ em này, chăm sóc những đứa bé này, giúp cho chúng trong đời sống. Một học sinh khác của tôi là một y tá chăm sóc người già tàn tật, và đây là những nghề nghiệp tuyệt vời. Tất nhiên là những công việc này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, rất nhiều kỷ luật, nhưng rất đáng giá, và cũng đòi hỏi ý thức mạnh mẽ về đạo đức. Vì vậy, tôi rất ngưỡng mộ các bạn, nếu đây là hướng đi mà các bạn đang noi theo trong cuộc sống.  

Câu Hỏi

Có phương pháp nào trong nhà Phật có thể giúp ta đối phó với những tâm trạng tiêu cực như nghi ngờ hay không?

Nghi ngờ người khác thì tương tự như chứng lo sợ vì hoang tưởng, khi luôn nghĩ rằng: “Người ta đang chống lại mình. Không biết ý định của họ là gì?” vân vân. Có hai khía cạnh ở đây. Một là sự bất an, khiến cho mình luôn lo lắng, rằng có người đang chống lại mình, sẽ làm tổn thương mình. Nó dựa trên sự bất an. Khía cạnh khác là quá mẫn cảm, phản ứng thái quá.

Bây giờ, để khắc phục tình trạng bất an, thì có nhiều mức độ mà mình có thể giải quyết vấn đề. Người ta chỉ tin tưởng vào khả năng mà mình có thể đối phó với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống. Điều mà tôi thấy rất hữu ích là tấm gương của Đức Phật Thích Ca. “Không phải ai cũng yêu thích Đức Phật, vậy thì tôi mong đợi điều gì cho bản thân? Liệu tôi có mong đợi tất cả mọi người sẽ yêu thích mình hay không?". Điều đó hoàn toàn không thực tế. Không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Đức Phật không thể làm điều đó, vậy thì không nên mong đợi mình có thể làm hài lòng tất cả mọi người, và mọi người sẽ yêu thích ta. Tôi sẽ cố gắng hết sức, tôi sẽ có ý tốt, và dù cho họ có thích hay không thích, đó là vấn đề của họ.”. Tôi thấy điều đó rất hữu ích. Tất nhiên là khi càng rèn luyện nhiều hơn, thì chúng ta sẽ càng có nhiều kinh nghiệm hơn, khi lớn tuổi hơn, và nói chung là bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn một chút. Khi còn là một thanh niên, một thiếu niên, thì việc cảm thấy bất an hơn, về mặt muốn được người khác chấp nhận, được mọi người yêu thích vân vân, là điều khá tự nhiên.

Phải khẳng định lại những phẩm chất tốt đẹp của mình. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận hay bỏ mặc những khiếm khuyết của mình, nhưng nếu như quá nhấn mạnh vào những khuyết điểm này, thì ta sẽ cảm thấy rất bất an. Nhưng không có ai chỉ có khuyết điểm thôi, mà tất cả chúng ta đều có một số phẩm chất tốt đẹp, và điều quan trọng là phải luôn nhắc nhở mình về những phẩm chất này. Điều đó không có nghĩa là tự hào về nó, và kiêu căng, mà có nghĩa là phải có một chút tự tin.

Khi quá nhạy cảm, phản ứng thái quá, quá khó chịu về điều này hay điều kia, thì một lần nữa, nên nghĩ về vấn đề: “Việc này sẽ không giúp ích gì cho ai.”. Nó sẽ khiến cho ta không thể đương đầu với cuộc sống, và khiến cho những người xung quanh mình cảm thấy rất khó chịu. Càng nghĩ đến người khác nhiều hơn, trong bất cứ tình huống nào, thì ta sẽ càng biết cân nhắc nhiều hơn, càng bình tĩnh hơn, về cách mình sẽ phản ứng với sự việc bằng cảm xúc. Ví dụ thường được sử dụng là một người mẹ. Một người mẹ có thể rất bực bội về điều gì đó, nhưng nếu như lũ trẻ cần được chăm sóc - bạn phải làm bữa ăn tối cho chúng - thì bạn sẽ khắc phục sự bực bội đó, và làm những gì bạn cần phải làm, để giúp cho chúng.

Top