Lời Khuyên Của Đức Dalai Lama Về Việc Giảng Dạy Lamrim

Lamrim và Tứ Diệu Đế

Tiến sĩ Berzin: Thế nào là cách giảng dạy lamrim (Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ) tốt nhất ở Đông Âu? Ngài đã đề nghị trong bài giảng về Lama Chöpa (Bla-ma mchod-pa, Lễ Cúng Dường Đạo Sư, The Guru Puja) là nên khởi đầu bằng tứ diệu đế và phạm vi trung bình. Xin Ngài nói thêm về điều này. Ngoài ra, Ngài có lời khuyên gì về “lòng sùng mộ bổn sư” (“guru devotion”) và pháp tu sơ khởi? Người dân ở các nước cộng sản không thể trưng bày ảnh Phật hay cúng chén nước trên bàn thờ, vì điều này có vẻ rất khả nghi.

Đức Dalai Lama: Tôi nghĩ không chỉ ở các nước cộng sản, mà ở các nước khác nữa, tốt nhất là nên khởi đầu bằng tứ diệu đế.

Trên cơ bản, chúng ta có thể hiểu tứ diệu đế ở hai mức độ [mức độ thoát khổ tạm thời và mức độ thoát khổ thật sự. Nhắm vào mục đích giải thoát tạm thời thì tương ứng với mức độ động lực sơ khởi của lamrim. Nhắm vào mục đích giải thoát thật sự – giải thoát khỏi luân hồi hay giác ngộ viên mãn – tương ứng với mức độ trung bình và động lực cao thượng.]

Mục Tiêu Giải Thoát Tạm Thời

Ở mức độ đầu tiên:

(1) Từ việc tích tập nghiệp từ tâm tham và sân, chúng ta đã tạo nên ác nghiệp. Điều này dẫn đến sự tái sanh trong các cảnh giới tệ hại hơn. Nỗi khổ của ba cảnh giới tệ hại hơn [của các chúng sanh mắc kẹt trong cảnh giới vô lạc thọ (địa ngục), ma quỷ chụp giựt (quỷ đói), và súc sanh] là vấn đề thật sự được bàn thảo ở đây.

(2) Nguyên nhân của điều này là hành vi phá hoại, dựa vào sự vô minh về hành vi nhân quả (nghiệp). Hãy giải thích điều đó như các nguyên nhân thật sự tạo ra khổ (tập đế).

(3) Bước khởi đầu để giải thoát bản thân ra khỏi các trạng thái tái sanh tệ hại hơn là ước mong thoát khỏi nỗi khổ đó. Hãy giải thích loại giải thoát đó [như sự đoạn diệt chân thật (diệt đế)].

(4) Trì giới là yếu tố thành tựu được điều này, đó là việc tự kềm chế các hành vi bất thiện. Hãy giải thích điều này như đạo đế. Điều này bao gồm cả tứ diệu đế.

Nói cách khác, trước tiên, hãy đưa ra cấu trúc của tứ diệu đế. Rồi trong cấu trúc gồm bốn thành phần đó, ở mức đầu tiên [tương ứng với động lực của phạm vi lamrim sơ căn], trong phạm trù đầu tiên, chúng ta có thể khẳng định các tái sanh tệ hại hơn làm nền tảng. Vì vậy, [đối với khổ đế], hãy giải thích nỗi khổ của các cảnh giới tệ hại hơn, rồi nêu ra thành tựu hạnh phúc và lạc thú thật sự của các cảnh giới tái sanh tốt đẹp hơn, chẳng hạn như thí dụ về một loại giải thoát. Điều này có thể được khẳng định như một sự giải thoát, thành tựu giải thoát khỏi nỗi khổ đó, đúng không? Nó giống như một sự giải thoát tạm thời. Rồi để đến đạo lộ đem lại sự giải thoát khỏi các nguyên nhân của nỗi khổ này [cụ thể là hành vi tiêu cực], có hai điều trong số các luật nhân quả liên quan đến nỗi khổ vì khổ (khổ khổ). [Về nguyên nhân tạo ra nỗi khổ vì khổ trong các trạng thái tái sanh tệ hơn,] từ một nhân nhỏ có thể tạo ra một quả lớn, và nếu chúng ta tạo ra một hành vi thì nó không phải là vô hiệu [không có kết quả. Cuối cùng, hành vi phá hoại sẽ đưa đến kinh nghiệm khổ, trừ khi ta tự tịnh hóa nghiệp quả của nó.] Điều này dẫn đến khía cạnh tịnh hóa của tứ diệu đế, sự xa lìa nỗi khổ vì khổ và nguyên nhân tạo ra nó, và con đường đạt được điều này. Theo cách này, chúng ta có tứ diệu đế, đúng không? Vậy thì điểm chánh cần nhấn mạnh trong khi giảng dạy lamrim là tứ diệu đế và ước nguyện giải thoát.

Thêm vào đó là quy y. Đó là điều tốt nhất, phải không? Nếu không, nếu chúng ta không nhận ra ý nghĩa của Pháp, về tứ diệu đế thì làm sao có thể giải thích tầm quan trọng lớn lao của kiếp người có được phú bẩm đầy đủ là gì? [Nếu không có bối cảnh của tứ diệu đế,] nếu nghĩ về tái sanh trong kiếp người quý báu, ta chỉ có thể kết luận rằng thân người là quan trọng, và điều này chẳng có gì đáng kể.

Truyền thống Sakya (Tát-ca) của Lamdre (lam-’bras, đường tu và kết quả) được kết cấu như thế, với tứ diệu đế trong đó. Đầu tiên, chúng ta cần phải nghĩ về nỗi khổ, rồi mới nghĩ đến kiếp người được phú bẩm đầy đủ. Tôi nghĩ điều này rất tốt. Dù sao đi nữa thì Đức Phật đã thuyết giảng tứ diệu đế trước tiên. Như vậy thì ta có thể dễ dàng bổ sung cho cách mà mức độ lamrim trung căn và thượng căn nằm trong cấu trúc của tứ diệu đế, để đạt được giải thoát thật sự.

Mục Tiêu Giải Thoát Thật Sự

Về điểm nhấn mạnh phạm vi trung bình ngay từ đầu mà Ngài đã nêu ra, có phải điều này nói về việc nhấn mạnh về các cảm xúc, thái độ phiền não, và việc giải thích về tâm thức hay không?

Đúng, đây là cách tốt nhất. Nếu như trước hết, ta không chắc chắn là có thể thành tựu được giải thoát, thì giáo pháp sẽ không hề sinh khởi. [Nói cách khác là chúng ta phải xác quyết rằng các cảm xúc và thái độ phiền não (khổ đế và tập đế) chỉ là điều thoáng qua, rằng bản tánh của tâm thì thanh tịnh (chân diệt tự nhiên), vì vậy mà cảm xúc và thái độ phiền não có thể được tiêu diệt mãi mãi (thành tựu chân diệt bằng chân đạo).]

Hơn nữa, [về phạm vi cao cấp] nên giải thích chút ít về lòng từ, lòng bi và bồ đề tâm. Dù cho thính chúng có chấp nhận là có kiếp trước hay không, hay có thể thoát khỏi kiếp luân hồi ngoài vòng khống chế hay không thì trong đời này, điều rất quan trọng là họ nên sống với lòng nhân ái, hòa thuận với mọi người.

Tiếp theo là việc quán chiếu về tứ vô lượng tâm, ước nguyện cho tất cả chúng sanh thoát khổ, có được hạnh phúc, thoát khỏi các nguyên nhân tạo khổ, và không xa rời hạnh phúc. Sau đó, hãy giải thích về thái độ bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha. Nói cách khác, tâm ái ngã là cánh cửa dẫn đến mọi khó khăn, tâm vị tha là nền tảng của mọi phẩm chất tốt đẹp, và khi đạt được thực chứng về hai điểm này, ta có thể dùng bản thân mình để làm lợi lạc cho xã hội.

Vị Trí của “Lòng Sùng Mộ Bổn Sư” trong Lamrim

Có cần đề cập đến lòng sùng mộ bổn sư hay không, vì họ không có thầy

Khi chúng ta quy y, đối tượng quy y chân thật là Pháp Bảo [diệt đế và đạo đế]. Để có được Pháp Bảo trong dòng tâm thức, chúng ta cần có các phương tiện để Pháp Bảo phát sinh trong tâm, và cần có một người chỉ dạy [bằng cách giảng giải và đưa ra thí dụ về bản thân] thực trạng của Pháp Bảo là gì. Chúng ta cũng cần có các thiện tri thức, Tăng Thân, cụ thể là những người đang trong quá trình chứng ngộ Pháp Bảo một cách đúng đắn, đã đạt được thành tựu ở mức độ nào đó.

Vậy thì khi đặt câu hỏi ai là người chỉ dạy Pháp, ngoài vị thầy ra, chúng ta sẽ thấy rằng danh từ người chỉ dạy theo tiếng Tây Tạng là tenpa (bstan-pa), cũng là từ ngữ nói về vị thầy. Nếu không có một vị thầy giảng dạy Pháp, ta sẽ không thể nào tu tập. Thế là ta đã đề cập đến vị bổn sư (guru).

Không nhất thiết, và không có nghĩa lý gì, để nói về vị bổn sư và cách liên hệ với vị này theo cách giải thích trong truyền thống lamrim của chúng ta. Chỉ cần nêu ra điểm này ở mức độ đơn giản. Vì vị thầy giảng dạy cho ta là người quan trọng, nên các bản giáo pháp bàn luận về phẩm chất của vị thầy. Kế đến, ta có thể giải thích về các phẩm chất của một vị thầy tâm linh, theo các trình độ khác nhau của vị thầy, như đã được giảng giải trong giới luật, Kinh điển Đại thừa, v.v....

Khi đến Đông Âu lần trước, con đã giải thích về kiếp người quý báu. Con thấy rằng nhiều người sống ở các nước này cảm thấy đáng tiếc là dưới chế độ cộng sản, họ không thể làm được điều gì có ý nghĩa cứu cánh, hay tạo ra điều gì có ý nghĩa trong đời sống. Họ có vẻ hiểu rõ giá trị của giáo huấn về kiếp người quý báu.

Rất tốt. Đó là cách tiếp cận đúng đắn.

Top