Tránh Tôn Giáo Đạo Đức Giả

Thành Thật

Khi những cá nhân kết hợp với nhau thì đó là xã hội; đó là cộng đồng. Nhưng các nhà lãnh đạo dường như đi vào xã hội mà không mấy quan tâm đến các nguyên tắc đạo đức, đến luân thường đạo lý. Xã hội chỉ quan tâm đến tiền bạc, quyền lực. Rồi thì con người của loại xã hội này tự động chỉ nghĩ về sự quan trọng của tiền bạc và quyền lực. Chúng ta không thể đổ lỗi cho những người này. Toàn thể xã hội của chúng ta đang suy nghĩ theo chiều hướng này.

Tôi nghĩ rất nhiều tín đồ tôn giáo chỉ thốt lời đầu môi chót lưỡi, nói về “Thượng Đế” hay “Phật”, nhưng trong cuộc sống thực tế hàng ngày, họ chẳng buồn quan tâm đến những điều này. Phật tử chúng ta cầu nguyện với Phật, nhưng trong cuộc sống thực tế hàng ngày, chúng ta chẳng buồn quan tâm đến Phật mà chỉ lo nghĩ đến tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Đó là gì vậy? Tôi nghĩ chúng ta, những tín đồ tôn giáo, đôi khi cũng học thói đạo đức giả. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, nhưng hành động thực tế thì sao? Chúng ta không hề quan tâm đến các vấn đề thuộc về quyền lợi của người khác. Chúng ta chỉ lợi dụng thôi. Tôi nghĩ nhiều tín đồ của các tôn giáo khác cũng cầu nguyện, họ cầu nguyện với Thượng Đế – “Con tin tưởng vào Thượng Đế, đấng sáng tạo của chúng con” – nhưng chúng ta, tác phẩm của đấng sáng tạo, lại không lắng nghe tiếng nói của ngài, sự hướng dẫn của đấng sáng tạo.

Tôi thường nói với các bạn Ấn Độ của tôi rằng người Ấn tương đối là những người sùng đạo hơn. Họ cầu nguyện với Shiva, Ganesh – tôi nghĩ chủ yếu là với Ganesh cho sự giàu có. Vì vậy, họ thực sự quen thuộc với việc thờ phụng, cầu nguyện. Tôi nghĩ mỗi gia đình đều có một số tượng thần thánh ở trong nhà. Nhưng trong cuộc sống thực tế hàng ngày, họ có rất nhiều nạn tham nhũng. Sao lại như vậy? Không có thần thánh nào, không có vị Phật nào nói rằng tham nhũng là tốt cả. Chúng ta nên trung thực và công bằng. Không có vị thầy vĩ đại nào lại nói, “Ồ, bạn nên bóc lột càng nhiều càng tốt bằng khả năng của mình. Tôi sẽ ban phước cho bạn.” Không có vị thần thánh nào nói như vậy cả.

Vì vậy, nếu chúng ta chấp nhận một con người cao cả hơn mình như Đức Phật, Chúa Giêsu Kitô hay Mohammed, hoặc các vị khác, thì chúng ta nên làm người trung thực, thành thật. Nhờ vậy, bản thân bạn cũng có thêm sự tự tin: “Tôi chẳng có gì để che giấu; tôi có thể nói những gì tôi nghĩ với bất cứ người nào và trả lời một cách thành thật.” Rồi thì bạn sẽ được người khác tin tưởng. Vì vậy, từ quan điểm ích kỷ cho bản thân, cách sống trung thực và thành thật là nguồn gốc rất quan trọng của sức mạnh nội tâm và tự tin. Đúng, có những người nói năng rất dễ thương và hay cười, nhưng khi bạn nhìn vào động lực của họ thì lại là một việc khác. Làm sao bạn có thể tin tưởng hay kính trọng họ?

Chân Thành trong Việc Tu Tập Pháp

Tôi là một Phật tử và tôi muốn nói với các anh chị em Phật tử của tôi rằng dĩ nhiên, giáo huấn của Đức Phật đã có mặt hơn hai nghìn năm trăm năm; nhưng giáo huấn của Đức Phật rất phù hợp với thế giới ngày nay. Một số nhà khoa học hàng đầu hiện nay thực sự mong muốn có thêm thông tin và phương pháp để giải quyết các cảm xúc tiêu cực. Giáo pháp thì tuyệt vời, nhưng tôi thực sự cảm thấy hiện nay có những dấu hiệu rằng có những vị lama [những đạo sư tâm linh] hay tulkus [các vị lama tái sinh], hoặc các vị thầy mà phẩm chất của họ đã thoái hóa. Đây là điều khiến tôi thực sự lo ngại. Nếu bản thân bạn đã không có một đời sống kỷ luật, làm sao bạn có thể dạy dỗ người khác? Để chỉ cho người khác con đường đúng đắn, bản thân bạn phải đi theo con đường đúng đắn.

Bây giờ, tôi nghĩ tất cả những điều tích cực đã được trình bày, vì vậy nên những điều còn lại mà tôi sẽ nêu ra là những điều tiêu cực. Chúng ta phải rất, rất là nghiêm túc. Bản thân tôi là một tăng sĩ Phật giáo. Tôi luôn luôn quan sát bản thân mình. Mỗi buổi sáng, khi vừa thức dậy, tôi sẽ nhớ tới Đức Phật và tụng một số lời giáo huấn của Đức Phật để uốn nắn tâm mình. Sau đó, tôi sẽ dùng thời gian còn lại trong ngày dựa trên các nguyên tắc như: sống trung thực, thành thật, bi mẫn, bình an, bất bạo động. Vì vậy, tôi hy vọng rằng các anh chị em Phật tử của tôi ở đây, khi các bạn nói về “ Phật pháp [các giáo huấn của Đức Phật], Phật pháp” và đề xướng Phật pháp, truyền bá Phật pháp, thì trước tiên, chính các bạn phải truyền bá Phật pháp ở đây, trong trái tim của mình. Vì vậy, đây là một điều vô cùng quan trọng, một điều thôi – đó là Phật pháp.

Dĩ nhiên, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều có tiềm năng tạo dựng sự bình an nội tâm như nhau, và nhờ vậy, tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điều duy nhất về Phật giáo, Kỳ Na giáo (Jainism), và một phần của truyền thống Số Luận (Samkhya) là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cá nhân. Lý thuyết hay quan điểm cứu cánh là việc tự sáng tạo, và chúng ta tin tưởng vào luật nhân quả: nếu bạn thực hiện hành động đúng đắn thì kết quả tích cực sẽ xảy ra. Nếu bạn thực hiện các hành động sai trái thì những điều tiêu cực sẽ xảy ra. Vì vậy, do luật nhân quả, nếu bạn làm những hành động sai trái thì Đức Phật không thể cứu độ bạn. Đức Phật đã dạy: “Ta sẽ chỉ cho các con con đường để đi tới niết bàn [thoát khỏi mọi đau khổ], nhưng liệu con có thể đạt được điều này hay không là hoàn toàn tùy vào con. Ta không thể dẫn dắt con bằng sự gia trì.” Đức Phật chưa bao giờ nói rằng ngài có thể giải thoát chúng ta bằng sự gia trì.

Vì vậy, bạn là vị thầy của chính mình. Tôi nghĩ cách giảng dạy như thế này vô cùng ích lợi. Mọi việc phụ thuộc vào hành động của riêng mình. Dù là tích cực hay tiêu cực, các hành động hoàn toàn phụ thuộc vào động cơ. Vì vậy, tôi nghĩ Phật pháp có thể đem lại một sự đóng góp đáng kể cho sự bình an nội tâm như thế đó.

Hòa Hợp giữa các Truyền Thống Phật Giáo

Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, khi chúng ta gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Miến Điện, Lào và một số người khác, trong quá khứ, vì những cái tên như “Tiểu thừa,” “Đại thừa” và “Kim Cương thừa” mà người ta có cảm giác như ba thừa [cỗ xe] này là những điều thực sự khác nhau và riêng rẽ. Điều này hoàn toàn sai lầm. Như tôi đã đề cập một cách ngắn gọn sáng nay, truyền thống Nguyên thủy (Theravada) hay truyền thống Pali, là nền tảng của Phật pháp; và sự thực hành giới luật [các giới nguyện và kỷ luật tăng đoàn] là nền tảng của Phật pháp.

Hãy nhìn vào bản thân Đức Phật, vào tiểu sử của ngài. Ngài đã tự xuống tóc rồi trở thành một nhà sư. Đó là thực hành của giới (sila) [đạo đức kỷ luật tự giác]. Rồi ngài đã hành thiền sáu năm. Đó là thực hành thiền định (samadhi) [nhập định], và cũng là thực hành thiền minh sát (vipassana) [một tâm thức có nhận thức đặc biệt]. Nhờ vậy, cuối cùng, ngài đã đạt giác ngộ. Vì vậy, tam vô lậu học là giới, định, tuệ (pannya) [nhận thức phân biệt, trí tuệ] hay minh sát tuệ. Vì vậy, chúng ta, những đệ tử của ngài, phải đi theo con đường này. Nếu không có việc thực hành kỷ luật tự giác, không có việc trì giới thì làm sao chúng ta có thể phát triển định [tâm an tịnh và tĩnh lặng] và tuệ? Đó là điều khó khăn. Vì vậy, truyền thống Pali là nền tảng của Phật pháp.

Thêm vào đó, khi nói đến việc thực hành, tôi nghĩ về Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh [ Kinh Trí Tuệ Ba La Mật], từ truyền thống tiếng Phạn (Sanskrit), với sự nhấn mạnh vào diệt khổ (nirodha) [sự chấm dứt thực sự của khổ và các nguyên nhân của nó, chân diệt], diệu đế thứ ba. Vì vậy, việc giải thích thêm về đề tài này là điều quan trọng. Diệt khổ là gì? Đức Phật đã giải thích về khả năng loại trừ vô minh của chúng ta. Một khi chúng ta đã hoàn toàn loại bỏ vô minh trong tâm mình, đó là diệt khổ, hay giải thoát (moksha). Vì vậy, đó là một giải thích thêm. Sau đó còn có con đường diệt khổ (magga) [con đường hay sự hiểu biết để đạt được chân diệt, diệu đế thứ tư], là một giải thích thêm.

Vì vậy, trên cơ sở của truyền thống Pali là truyền thống tiếng Phạn, giống như tầng nhà thứ nhất. Nói cách khác, đầu tiên là tầng trệt; đó là truyền thống Pali – hành trì của tỳ kheo (bhikshu) [nhà sư], kỷ luật tự giác, giới luật. Sau đó đến tầng thứ nhất, Bát Nhã Ba La Mật Đa TâmKinhA tỳ đạt ma (abhidharma) [các chủ đề kiến thức đặc biệt], một loại A tỳ đạt ma – các giáo lý về trí tuệ, lục độ ba-la-mật [những thái độ có ảnh hưởng sâu rộng, hoàn hảo] hay thập độ ba-la-mật. Thêm vào đó, truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa có pháp quán tưởng về các vị Hộ Phật, dựa trên thực hành thiền minh sát, thiền địnhbồ đề tâm [tâm hướng đến giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh]. Thế thì đây là tầng trệt, tầng thứ nhất và tầng thứ hai, đại loại vậy. Nếu không có tầng trệt, bạn không thể xây dựng các tầng khác. Vì vậy, tôi nghĩ các anh chị em Phật tử ở đây nên biết điều này.

Dĩ nhiên là tôi không có thẩm quyền. Tôi xem mình như một học sinh. Bất cứ khi nào có thời gian, tôi luôn luôn học hỏi và đọc, đọc, đọc thêm nữa. Nếu nói về Phật giáo Tây Tạng, khoảng ba trăm quyển kinh đã được dịch sang Tạng ngữ từ các ngôn ngữ Ấn Độ – Pali, Phạn ngữ, và một số từ tiếng Nepal. Vì vậy, bất cứ khi nào có thời gian, tôi sẽ đọc, suy nghĩ và học hỏi từ ba trăm quyển kinh này. Đương nhiên, kiến thức của tôi khá hơn một chút so với những người chưa bao giờ chạm đến ba trăm quyển kinh này. [Dựa vào kiến thức đó,] khi nghiên cứu những quyển kinh này, tôi đã hoàn toàn tin tưởng việc tu tập tam vô lậu học là điều vô cùng cần thiết.

Trở Thành những Nhà Sư Đúng Đắn

Vì vậy, trước tiên, Phật tử chúng ta, dù là Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim Cương thừa – chúng ta phải là những đệ tử chân chính của Đức Phật. Điều này rất quan trọng. Quý vị hiều rõ chứ? Để trở thành đệ tử của Đức Phật, chúng ta không thể chỉ khoác lên mình chiếc áo cà sa, chiếc y của tỳ kheo. Chúng ta không thể gọi những người này là nhà sư Phật giáo. Chúng ta không thể nói đó là những nhà sư tốt hay những tỳ kheo tốt. Chỉ thay đổi trang phục thì rất dễ dàng. Chúng ta cần thay đổi ngay ở đây, trong trái tim và tâm thức của mình, để trở thành một đệ tử chân chính của Đức Phật. Để trở thành một nhà sư Phật giáo, bạn phải nghiêm chỉnh thực hành kỷ luật tự giác. Đôi khi, nó có vẻ như là: “ Ồ, hãy để Đức Phật làm tất cả những việc khó khăn. Chúng ta có thể có một cuộc sống xa hoa.” Làm cách nào? Làm sao bạn có thể làm như vậy được? Nếu bạn là một Phật tử, bạn phải noi theo con đường riêng của Đức Phật – sáu năm tu hành rất khó nhọc. Chúng ta phải noi theo gương Ngài.

Như tôi đã đề cập hôm qua, một người bạn đã nói về khoảng cách hay bức tường giữa truyền thống Pali và truyền thống tiếng Phạn. Bức tường này chẳng có lợi ích gì cho ai hết. Chúng ta phải đến với nhau và trao đổi kiến thức. Có rất nhiều điều để chúng tôi học hỏi từ các truyền thống của các bạn, từ biệt giải thoát giới (pratimokshas) [giới nguyện của tăng đoàn] của các bạn. Các bạn cũng có thể học hỏi một số biệt giải thoát giới từ truyền thống tiếng Phạn của chúng tôi. Vì vậy, các buổi họp thường xuyên hơn – không chỉ bằng nghi lễ mà là những buổi họp nghiêm túc, thảo luận nghiêm túc – là vô cùng cần thiết. Đó là một việc.

Vấn Đề Phục Hồi Đại Giới của Tỳ Kheo Ni

Tiếp theo là việc liên quan đến chư tỳ kheo ni (bhikshunis), như các bạn đã biết, ngay từ đầu, tôi đã ủng hộ việc phục hồi tỳ kheo ni trong truyền thống Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivadin) [mà chúng tôi, người Tây Tạng và Mông Cổ noi theo]. Nhưng chúng tôi phải tuân theo các văn bản giới luật. Nếu như có một vài đặc quyền để hành xử như một người độc tài, thì tôi sẽ có thể nói, “Ồ, các bạn phải làm như thế.” Chúng ta không thể làm điều đó. Chúng ta phải tuân theo các bản văn giới luật – các bản văn của Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, cũng như các bản văn của Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) [được tuân theo ở Đông Á] và các bản văn Tiểu thừa.

Như các bạn thấy, đây là một chủ đề quan trọng mà chúng ta phải thảo luận rất nghiêm túc. Quyết định này vượt qua sự kiểm soát của tôi. Điều tôi có thể quyết định là đưa vào tất cả các ni viện trong cộng đồng Tây Tạng trình độ tu học đồng nhất mà các tu viện lớn này có thể tu học. Hiện nay, chúng tôi đã có một số ni sư trở thành geshema [tiến sỹ triết học Phật giáo], những học giả giỏi.

Thỉnh thoảng, chúng ta đã thảo luận về vấn đề tỳ kheo ni và bây giờ, trong dịp này, chúng ta cũng làm như vậy. Tôi đã trình lá thư thỉnh cầu mới nhất cho vị lãnh đạo Phật giáo Lào, cũng như vị lãnh đạo Phật giáo Miến Điện. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc thảo luận nghiêm túc này, và tôi khá chắc chắn rằng cuối cùng, chúng ta sẽ đi đến một vài thỏa thuận.

Top